Âm nhạc từ lâu đã trở thành một “món ăn tinh thần” không thể thiếu với con người. Không chỉ để thư giãn, giải tỏa mệt mỏi, căng thẳng, âm nhạc còn phản ánh tâm tư, tính cảm, nguyện vọng của người nghe. Với sự phát triển mạnh mẽ của dòng nhạc trẻ ngày nay, ta có thể hiểu được phần nào giới trẻ Việt.
Hiện nay, dòng nhạc trẻ đang rất thịnh hành ở nước ta và chiếm lĩnh hầu như hoàn toàn thị trường nhạc Việt. Vô số các ca sĩ trẻ nổi lên và các bài hát được sáng tác ngày càng nhiều, với đủ các thể loại: ballad, R&B, rap, hiphop… Tuy nhiên, nó không những tạo nên một thị trường âm nhạc rực rỡ đầy màu sắc mà còn đầy rối ren, xô bồ. Trước đây, để ra được một ca khúc, các nhạc sĩ phải mất rất nhiều thời gian trăn trở, băn khoăn để sáng tác, chỉnh sửa… thì giờ đây, rất nhiều ca khúc ra đời một cách chóng vánh theo hình thức “mì ăn liền” và được gọi là dòng nhạc thị trường – sản xuất theo thị hiếu của khán giả. Chính kiểu sáng tác này đã vô tình tạo nên những trò hề – nội dung bài hát sơ sài, kém chuyên môn, lời bài hát nhạt nhẽo, vô vị, thậm chí còn tục tĩu. Nền âm nhạc Việt đã chứng kiến biết bao “thảm họa” như sự kết hợp vô duyên giữa nhạc trẻ và vọng cổ trong “Teen vọng cổ”, hay lời bài hát nhảm nhí trong ca khúc “Da nâu” của Phi Thanh Vân (2009). Gần đây hơn là “Oh my chuối”, nhạc phim “Căn hộ 69”, được coi là sản phẩm rẻ tiền, ca từ thô thiển, gợi tình, vũ đạo thì “nóng mắt”. Rồi “Như cái lò” với hình ảnh hở hang, khiêu khích, nội dung chỉ xoay quanh cuộc đối thoại của một đôi trai gái về thời tiết nắng nóng… Còn nhiều, nhiều thảm họa khác nữa đang hàng ngày, hàng giờ được sản xuất bởi các ca sĩ thị trường.
“Như cái lò” – MV được coi là thảm họa của nhạc sĩ Khắc Hưng
Vậy những sản phẩm âm nhạc này có tác động tiêu cực đến giới trẻ hay không? Nhìn vào thực tế, tiêu biểu như giải thưởng Zing Music Awards 2017, thì những ca khúc “thảm họa” tuy gây xôn xao trên thị trường nhưng lại không phải là những ca khúc mà giới trẻ nghe nhiều. Nhìn vào bảng xếp hạng giải thưởng cũng như các ca khúc hit được nghe nhiều gần đây, có thể thấy là giới trẻ không phải là những người có gu âm nhạc dễ dãi hay theo như nhận định của nhiều người lớn tuổi là “không hiểu bọn nó nghe cái gì”.
Với các bản hit “Việt Nam đi, hôn và yêu” của Phạm Hồng Phước và “Đưa nhau đi trốn” của Đen và Linh Cáo, có thể thấy khát vọng rời bỏ chốn thành thị xô bồ, rời bỏ cuộc sống tù túng, nghèo nàn, thiếu niềm vui, vứt hết tất cả lại để đi của giới trẻ. Các ca khúc này cũng ca ngợi vẻ đẹp đất nước con người Việt Nam. Những suy nghĩ tích cực và lạc quan thể hiện trong “Vì tôi còn sống” của Tiên Tiên hay “Bài ca tuổi trẻ” của Linh Cáo và Mel G… Những ca khúc đó mới là những bài được nhiều lượt view cũng như lượt nghe.
“Bài Ka tuổi trẻ” – một ca khúc thể hiện sự lạc quan, tươi vui của lớp trẻ
Xem danh sách đề cử Zing Music Awards 2017, không hề thấy một ca khúc được coi là “thảm họa” nào mà thay vào đó là một loạt các bài hát thuộc nhiều xu hướng khác nhau cho thấy gu âm nhạc đa dạng của các khán giả trẻ. Các bản ballad như “Em gái mưa” (Hương Tràm), “Xin đừng lặng im” (Soobin Hoàng Sơn), “Có điều gì sao không nói cùng anh” (Trung Quân Idol) rồi ca khúc mới lạ gây nghiện “Lạc trôi” của Sơn Tùng M-TP, “Túy âm” của Masew và Xesi… Tất cả đều là những sản phẩm chất lượng, có đầu tư, chăm chút tỉ mỉ và công phu. Bạn Trần Văn Vinh, sinh viên Cao đẳng Y Dược Nha Trang chia sẻ: “Những bài hát thảm họa thì mình cũng như nhiều bạn khác chỉ xem lướt qua vài giây cho biết thôi, chứ những bài được nghe nhiều luôn là các bản hit chất lượng”.
Đừng nên đùa với gu âm nhạc của giới trẻ, họ rất có gu đấy. Và đó cũng là sự khích lệ to lớn để các nghệ sĩ tiếp tục nỗ lực không ngừng để cho ra các sản phẩm chất lượng hơn nữa.
Mục Lục